Bạn mới bắt đầu công việc sản xuất kinh doanh của mình, sản phẩm bạn sản xuất ra chưa có tem nhãn. Bạn đang tìm hiểu về việc làm tem nhãn cho sản phẩm doanh nghiệp của mình nhưng bạn chưa biết làm như thế nào? Tem nhãn sản phẩm, hàng hóa là một phần cực kì quan trọng giúp bạn kinh doanh tốt hơn.
Nhưng tem nhãn mác có những quy định riêng trong việc sản xuất cũng như in ấn. Bài viết này sẽ giúp bạn tìm hiểu “Quy định về nhãn mác hàng hóa” để khi bạn in nhãn sản phẩm, hàng hóa sẽ không vi phạm các điều luật của nhà nước về quản lý nhãn hàng hóa. Giúp bạn tuân thủ luật trong công tác sản xuất hàng hóa kinh doanh.
Quy định về nhãn mác hàng hóa, sản phẩm
Nhằm quản lí tốt các sản phẩm hàng hóa hiện có trên thị trường cũng như giúp bảo vệ lợi ích của người tiêu dùng. Chính phủ đã đưa ra các nghị định buộc các đơn vị, tổ chức cá nhân kinh doanh sản phẩm đặc thù phải tuân thủ và thực hiện theo.
Các quy định về tem nhãn sản phẩm được nêu chi tiết ở nghị định 89/2006/NĐ-CP của Chính phủ về nhãn hàng hoá. Bài viết này chúng tôi sẽ tóm tắt các điểm chính quan trọng trong việc thiết kế cũng như in ấn tem nhãn sản phẩm, để bạn có thể nắm được một cách dễ dàng. Trước khi in tem nhãn mác sản phẩm tránh các sai sót đáng tiếc không đáng có.
Một số quy định về tem nhãn mác
Các doanh nghiệp sản xuất, kinh doanh muốn đưa sản phẩm ra thị trường thì việc đầu tiên cần làm đó là chuẩn bị nhãn mác cho sản phẩm.
Những thông tin về sản phẩm, hàng hóa được ghi trên nhãn sẽ giúp người tiêu dùng có cái nhìn khái quát về chức năng, vai trò sản phẩm. Tem nhãn sản phẩm càng đầu đủ thông tin chi tiết, rõ ràng càng tạo lòng tin với khách hàng.
Quy định hàng hóa gắn tem nhãn mác
Áp dụng cho tất cả các loại hàng hóa đang lưu thông trên lãnh thổ Việt Nam, trừ các trường hợp sau không bắt buộc phải ghi nhãn:
- Hàng hoá là thực phẩm tươi, sống, thực phẩm được chế biến sẵn không có bao bì và bán trực tiếp cho người tiêu dùng.
- Hàng hóa là nguyên, nhiên vật liệu (nông sản, thuỷ sản, khoáng sản). Vật liệu xây dựng (gạch, ngói, vôi, cát, đá, sỏi, xi măng, đất màu, hỗn hợp bê tông thương phẩm, vữa). Phế liệu trong lĩnh vực sản xuất, kinh doanh không có bao bì được bán trực tiếp theo thỏa thuận với người tiêu dùng.
- Hàng hóa thuộc trường hợp tổ chức, cá nhân nước ngoài nhập khẩu hàng hoá của Việt Nam. Yêu cầu phải ghi nhãn hàng hoá theo hợp đồng mua bán. Nhưng phải đảm bảo không vi phạm các quy định của Việt Nam và quy định của nước nhập khẩu.
- Hàng hóa thuộc trường hợp đặc biệt: an ninh, quốc phòng (hàng hóa là chất phóng xạ), hàng hóa được dùng trong các trường hợp khẩn cấp như: khắc phục thiên tai, dịch bệnh. Hàng hóa là các phương tiện giao thông (đường sắt, đường thuỷ, đường không), hàng hóa do cơ quan nhà nước tịch thu đem bán thanh lý, đấu giá có quy định riêng.
Quy định vị trí dán nhãn sản phẩm, hàng hóa
Không phải nhãn sản phẩm hàng hóa có thể gắn ở đâu cũng được mà chính phủ đã có quy định riêng rất rõ ràng:
- Nhãn mác sản phẩm hàng hóa được dán/gắn lên hàng hóa ở vị trí khi nhìn có thể thấy dễ dàng các thông tin, mà không phải tháo rời các chi tiết, các phần của hàng hoá.
- Hàng hóa, sản phẩm không thể mở bao bì bên ngoài cùng, thì trên bao bì bên ngoài cùng của hàng hóa phải được dán tem nhãn sản phẩm. Và bắt buộc phải ghi đầy đủ các thông tin.
- Nếu vị trí dán tem nhãn không đảm bảo được cho tem nhãn hiển thị hết nội dung cần thiết thì phải có các tài liệu kèm theo.

Quy định về kích thước nhãn mác sản phẩm
Chính phủ không có quy định cụ thể về kích thước của bất cứ loại tem nhãn nào. Các tổ chức, cá nhân sản xuất, kinh doanh các loại hàng hóa chịu trách nhiệm ghi nhãn hàng hoá tự xác định kích thước. Tuy nhiên, cần phải đảm bảo đầy đủ nội dung ghi trên tem nhãn theo quy định.
Quy định về màu sắc, hình ảnh, kí hiệu ghi trên tem nhãn sản phẩm
Các nội dung ghi trên nhãn sản phẩm như: màu sắc của chữ, hình vẽ, hình ảnh, dấu hiệu, chữ số, ký hiệu phải rõ ràng, không bị lem, bị mờ, không bị tẩy xóa. Người tiêu dùng phải đọc được trong điều kiện bình thường.
Quy định về ngôn ngữ in trên nhãn sản phẩm, hàng hóa
Ít người để ý đến quy định về ngôn ngữ in trên nhãn sản phẩm, hàng hóa vì vậy khi in tem sản phẩm vì sai quy định nên rất nhiều đơn vị đã phải in lại gây tổn thất không hề nhỏ. Bạn nên chú ý những quy định về ngôn ngữ in trên nhãn sản phẩm sau:
- Ngôn ngữ thể hiện trên nhãn hàng hoá phải được ghi bằng tiếng Việt. Trừ trường hợp quy định tại khoản 4 Điều 9 quy định về ngôn ngữ trình bày nhãn hàng hoá của nghị định 89/2006/NĐ-CP.
- Có thể ghi thêm các ngôn ngữ khác trên tem nhãn, tuy nhiên nội dung phải đồng nhất và ngôn ngữ tiếng nước ngoài không được lớn hơn tiếng Việt.
- Đối với sản phẩm, hàng hóa nhập khẩu trên tem nhãn sản phẩm chưa có tiếng Việt thì cần có tem phụ in tiếng Việt kèm theo và giữ nguyên tem gốc. Chú ý: nội dung tem gốc và tem phụ phải đồng nhất.
Quy định về trách nhiệm ghi nhãn hàng hoá
Trong quy định tem nhãn mác sản phẩm có quy định trách nhiệm ghi nhãn hàng hóa thuộc về:
- Các tổ chức, cá nhân sản xuất hàng hóa: áp dụng cho hàng hóa được sản xuất tại Việt Nam và lưu thông trong nước.
- Các tổ chức, cá nhân nhập khẩu hàng hóa: phải ghi tem nhãn phụ và giữ nguyên tem nhãn gốc hàng hóa theo quy định áp dụng cho hàng hóa được nhập khẩu.
- Các tổ chức, cá nhân xuất khẩu hàng hóa: áp dụng cho hàng hóa, sản phẩm, sản xuất chế biến tại Việt Nam dành cho xuất khẩu.

Quy định về nội dung tem nhãn sản phẩm
Quy định nội dung về tem nhãn sản phẩm được quy định nghiêm ngặt và rõ ràng đối với từng loại hạng mục sản phẩm, hàng hóa khác nhau. Thể hiện ở Chương II của nghị định số 89/2006/NĐ – CP ngày 30 tháng 9 năm 2006.
Nội dung bắt buộc ghi trên nhãn mác sản phẩm gồm:
- Tên hàng hóa
- Tên công ty
- Địa chỉ nơi sản xuất
- Thành phần sản phẩm
- Hướng dẫn sử dụng
- Ngày sản xuất, hạn sử dụng
- Chỉ tiêu chất lượng
Tùy vào tính chất của sản phẩm mà có thể thêm những nội dung:
- Định lượng
- Thành phần
- Công dụng
- Cách sử dụng
- Ngày sản xuất
- Hạn sử dụng
- Bảo quản
- Cảnh báo
Trong trường hợp kích thước tem nhãn sản phẩm không đủ để chứa hết các nội dung cần thiết theo quy định. Thì phải có các tài liệu đính kèm để ghi các nội dung đó theo quy định.
Quy định về chất liệu tem nhãn sản phẩm
Chất liệu tem nhãn sản phẩm, hàng hóa phụ thuộc vào điều kiện môi trường bảo quản sản phẩm:
- Đối với các sản phẩm có thời gian sử dụng ngắn hạn, thông dụng có thể sử dụng tem giấy.
- Đối với các sản phẩm, hàng hóa cần bảo quản ở môi trường đông lạnh nên sử dụng tem nhãn decal sẽ tránh bị ảnh hưởng bởi độ ẩm, nước.
Nếu bạn là một doanh nghiệp mới trong sản xuất, kinh doanh thì cần nắm rõ quy định về nhãn mác hàng hóa, sản phẩm để không bị phạm luật khi kinh doanh. Hãy là một trong những doanh nhân hiểu luật trong kinh doanh, để có thể kinh doanh thành công. Innovavietnam cung cấp giấy Decal nhựa, giúp bạn in tem nhãn sản phẩm để gián lên những sản phẩm hàng hóa tiếp xúc nhiều với độ ẩm và nước. Nếu bạn quan tâm có thể liên hệ ngay với chúng tôi để được tư vấn.